Thế nào là chuyển đổi số?
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.
Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Vậy chuyển đổi số khác gì số hóa?
Trong hội thảo Chuyển đổi số – Cơ hội và thách thức diễn ra hồi tháng 11/2018 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục tin học hoá – Bộ Thông tin và Truyền thông, giải thích “số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
Có thể lấy ví dụ Grab trong việc xây dựng ứng dụng gọi xe. Những gì người dùng thấy trên màn hình điện thoại đơn giản là một chu trình đặt xe và hoàn thành chuyến đi của khách và tài xế, nhưng ẩn sâu là cả một hệ thống phức tạp. Công ty phải phân tích khối lượng dữ liệu lớn liên quan tới thói quen lái xe của tài xế, nhu cầu của người dùng, tính năng tạo sẵn cung đường, điều hướng thời gian thực… Từ dịch vụ đặt xe, công ty đã mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như giao hàng, mua đồ ăn…
Vì sao phải chuyển đổi số?
Tại hội thảo “Global Digital Transformation” hồi cuối tháng 4 ở Hạ Long, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, khẳng định: “Câu hỏi mà các doanh nghiệp phải đặt ra vẫn không thay đổi: làm thế nào để tăng trưởng, để có khách hàng, để có lợi nhuận, nhưng cách trả lời rất khác biệt và những công ty chuyển đổi số sẽ thể hiện sự vượt trội. Nói cách khác, nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi”.
Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo Doanh nghiệp số từ thực tiễn đến nhận thức ngày 11/4 tại Hà Nội, ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội tin học TP HCM, khẳng định “chuyển đổi số doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có ích cho doanh nghiệp giảm nhanh”.
Đồng quan điểm, Giáo sư Hồ Tú Bảo, thuộc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), cho rằng doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói “không” với chuyển đổi số: “Chuyển đổi số là con đường tất yếu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh….
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.