Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều người vì muốn tiết kiệm chi phí nên vẫn sử dụng phần mềm “lậu” bằng cách crack (hay còn gọi là bẻ khóa) thay vì phần mềm bản quyền mà không lường trước những hậu quả mà nó mang lại.
Khái niệm bản quyền phần mềm
Bản quyền phần mềm là quyền được phép sử dụng phần mềm đó một cách hợp pháp. Việc sử dụng phần mềm không có bản quyền hợp pháp nào cũng được xem như sao chép phần mềm trái phép vậy. Người vi phạm sẽ bị xử theo luật xâm phạm quyền tác giả.
Tại sao nên sử dụng phần mềm bản quyền?
Trong bài viết này, có thể nêu đến 4 lý do để người dùng cần cân nhắc trong việc tại sao phải sử dụng phần mềm bản quyền.
Thứ nhất, việc sử dụng bản quyền “lậu” là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Thứ hai, sử dụng phần mềm “không chính chủ” có nhiều nguy cơ bị Malware (một dạng phần mềm độc hại) tấn công, lây nhiễm mã độc để lấy cắp thông tin cá nhân, gây hại cho máy tính của chính bạn cũng như có thể lan truyền sang máy tính của người khác và thực hiện những hành động tương tự.
Thứ ba, loại phần mềm này không có đầy đủ chức năng và không vá lỗi kịp thời do hầu hết các phần mềm bẻ khóa hiện nay đều không có chức năng cập nhật lên bản mới.
Thứ tư, những người dùng phần mềm không có sự đồng ý của nhà sản xuất nếu gặp lỗi sẽ không được hỗ trợ cũng như không được đền bù bởi những sản phẩm này không bao gồm gói dịch vụ hỗ trợ trong quá trình sử dụng.
Với rất nhiều bất lợi khi sử dụng phần mềm “lậu”, người dùng nên chọn phiên bản “chính chủ” từ Microsoft để nhận được những lợi ích cao nhất. Với Windows bản quyền, máy tính của bạn sẽ sử dụng ổn định hơn, ít bị lỗi và gần như an toàn tuyệt đối trước các mã độc, virus, spyware do tính bảo mật của Windows bản quyền cực cao cũng như được cập nhật thường xuyên để đảm bảo máy bạn luôn chạy mượt và khắc phục các lỗi vặt. Chỉ cần một lần bỏ tiền duy nhất, bạn sẽ được sử dụng Windows bản quyền vĩnh viễn, thậm chí khi đổi máy, bạn vẫn có thể mang Windows bản quyền mà bạn đã mua sang máy đó, rất tiện lợi và tiết kiệm.
Vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm máy tính tuy không còn là một lĩnh vực mới mẻ đối với mỗi quốc gia nhưng tình hình vi phạm bản quyền phần mềm vẫn luôn là một đề tài nóng mà mỗi quốc gia luôn phải đối mặt và tìm cách giải quyết. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta luôn là một trong những nước “dẫn đầu” về tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm dù đã có nhiều cố gắng ngăn chặn.
Qua tìm hiểu, đã có nhiều công trình nghiên cứu về thực trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Hầu hết những công trình đó đều đưa ra một cái nhìn tổng quan về tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có rất ít đề tài chú trọng nghiên cứu về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam. Vì thế, với việc tìm hiểu về tình hình vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam hiện nay, đề tài nghiên cứu này mong muốn sẽ mang lại sự nhìn nhận đầy đủ và rõ ràng hơn về vấn đề này.
Hồ sơ đăng ký bản quyền phần mềm máy tính
Để đăng ký bản quyền tác giả cho phần mềm máy tính, cần chuẩn bị hồ sơ như sau: (i) Bản gốc giấy ủy quyền việc đăng ký bản quyền tác giả; (ii) Bản sao Chứng minh nhân dân của tác giả (có công chứng); (iii) Bản gốc bản cam đoan của tác giả về tính trung thực trong quá trình sáng tạo tác phẩm và có chữ ký xác nhận của tác giả; (iv) Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn (như quyết định giao việc hoặc hợp đồng thuê thiết kế, tài liệu chứng minh nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa); (v) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả; (vi) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung; (vii) Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu chủ sở hữu là tổ chức); (viii) 02 đĩa CD ghi nội dung phần mềm; (ix) Bản in mã code tác phẩm được đóng thành quyển.
Lưu ý: Các tài liệu nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực.